Chiều ngày 15/8/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang tiếp và làm việc với Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tiếp đoàn có ông Võ Xuân Tân_Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo các đợn vị trực thuộc Sở; phía Cục Thủy lợi có ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi và các đơn vị cùng đi.
Ảnh: Đoàn công tác Cục Thủy lợi làm việc tại Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang
Toàn Tỉnh hiện có 27 tuyến kênh cấp 1, tổng chiều dài 598,15 km; kênh cấp 2 có 266 tuyến kênh, tổng chiều dài: 1.311,5 km; kênh cấp 3 có 558 tuyến kênh, tổng chiều dài: 1.674,5 km. Năng lực cấp nước và phòng chống lũ của các công trình trên các sông, kênh, rạch chính cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, về lâu dài cần nâng cấp hệ thống thuỷ lợi theo hướng hiện đại hoá mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Về năng lực phòng, ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, Hậu Giang đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh; Tiểu dự án Ô Môn – Xà No; hệ thống cống Nam Xà No, góp phần chủ động trong điều tiết nguồn nước, nâng cao năng lực phòng, chống hạn mặn. Tính đến nay, tỉnh đầu tư trên 120 km đê ngăn mặn với 100 cống hở và 18 cống tròn đã đưa vào vận hành, khai thác.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều tuyến dân cư ở vùng sâu, vùng xa đề nghị đầu tư nước sạch, nhưng chưa có nguồn vốn để đầu tư. Tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp, hệ thống cống, đê ngăn mặn, triều cường hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tỉnh Hậu Giang có trên 900 khu vực sản xuất khép kín với quy mô 100 đến 300 ha; trong đó có 130 trạm bơm điện, diện tích phục vụ 27.227 ha. Năng lực phục vụ cấp nước từ hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên 92.700ha, trong đó nguồn nước phục vụ trồng lúa là 77.820 ha; phục vụ trồng thủy sản: 972 ha; trồng rau, màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 14.000 ha.
Qua buổi trao đổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Khanh đánh giá tỉnh Hậu Giang có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Ông đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cần động rà soát, củng cố hệ thống đê bao, cống đập trên địa bàn; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo lũ để người dân chủ động đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời quan tâm rà soát, củng cố nhân lực của đơn vị đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi; rà soát lại hệ thống cống thuộc Tiểu dự án Ô Môn – Xà No. Đối với nhu cầu đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, cần làm rõ sự cần thiết đầu tư, nhu cầu đầu tư để có phương án đề xuất. Đối với công tác quản lý công trình thủy lợi trên toàn tỉnh, cần rà soát cụ thể quy mô, số lượng công trình đê bao, cống đập để có sự phân cấp quản lý và định hướng đầu tư phù hợp trong giai đoạn tới.